Cọc bê tông cốt thép là vật liệu đóng vai trò quan trọng, giúp xây dựng công trình được vững chắc và an toàn. Vậy loại vật liệu này là gì? Cấu tạo và đặc điểm ra sao? Được ứng dụng trong xây dựng như thế nào? Cùng Trà Vinh GC tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau!
Cọc bê tông cốt thép là gì?
Cọc bê tông cốt thép là loại vật liệu xây dựng được tạo thành bởi hai thành phần chính là thép và bê tông. Trong đó, phần bê tông bao gồm xi măng, cát và đá được trộn theo tỉ lệ nhất định, bao bọc xung quanh phần cốt thép.
Thép và bê tông có hệ số giãn nở nhiệt gần giống nhau, do đó có thể hỗ trợ nhau để tránh được sự ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường. Bê tông giúp bảo vệ cốt thép khỏi sự xâm thực của môi trường và thép có tính chịu lực, chịu kéo khá tốt nên giúp định hình bê tông, tăng độ vững chắc. Có thể thấy, sự kết hợp giữa hai loại thành phần này đem đến nhiều ưu điểm nổi bật cho cọc bê tông cốt thép.
Đặc điểm của cọc bê tông cốt thép
Nhờ những ưu điểm nổi trội, cọc bê tông cốt thép thường được ứng dụng phổ biến trong các công trình dân dụng và công nghiệp nhằm giúp cho nền móng luôn được kiên cố. Tùy theo tính chất và tiêu chuẩn của công trình xây dựng, các đơn vị thi công có thể lựa chọn loại cọc có đặc điểm khác nhau.
Cọc bê tông cốt thép thường có chiều dài từ 5-20m và có thể lên đến 45m tùy thuộc vào tính chất công trình. Với những cọc quá dài sẽ được chia ra thành nhiều đoạn để thuận tiện trong quá trình vận chuyển và được ghép nối lại bằng các thiết bị lắp ghép khi thi công ép cọc.
Kích thước cọc bê tông cốt thép thường dùng cho dân dụng là 250x250mm, 300x300mm, chiều dài dưới 10m. Đối với các công trình có quy mô lớn như công trình công nghiệp thường sử dụng loại cọc có kích thước 350x350mm và 400x400mm, chiều dài lớn hơn 10m… Kích thước của cọc có thể có kích thước đặc biệt tùy theo yêu cầu xây dựng.
Tiết diện của cọc bê tông cốt thép khá đa dạng bao gồm: hình tròn, hình vuông, hình tam giác, chữ T, chữ I và thường sử dụng các loại thép có phi là 14, 16, 18, 20, 22. Trong đó, tiết diện hình vuông và hình tròn được sử dụng phổ biến bởi cấu tạo đơn giản, dễ dàng sản xuất và lắp đặt.
Tiêu chuẩn cọc bê tông cốt thép trong xây dựng
Để công trình được thi công an toàn và đạt chuẩn, cọc bê tông cốt thép của phải đảm bảo những tiêu chuẩn nhất định sau:
Đối với mối nối cọc
- Trên mỗi đoạn cọc không được nối quá 2 mối nối và phải bố trí mối nối ở phía bên dưới tầng đất dày trên 3m.
- Các mối nối phải được hàn chắc chắn lại với nhau để đảm bảo sự liên kết giữa các thanh thép. Đối với cọc dễ xuyên vào đất, bạn có thể sử dụng keo để mối nối được bền chặt với nhau.
- Dùng kỹ thuật nối hàn tại nơi có động đất hoặc nơi tập trung nhiều cọc đối với công trình có tải trọng thiết kế lớn phải xuyên qua tầng đất cứng có độ dày nhất định.
Đối với phần thép ở thân cọc
- Mật độ thép không nhỏ hơn 0,8% đối với cọc đóng bằng búa và 0,5% đối với các loại cọc ép có thân cọc nhỏ và dài.
- Trong một số trường hợp sau, mật độ thép phải nâng lên 1-2%:
Trường hợp mũi cọc phải xuyên qua lớp đất rắn chắc có độ dày nhất định.
Tỷ số L/D lớn hơn 60.
Các cọc được bố trí với mật độ dày đặc trên một khoảng diện tích lớn.
Đối với đường kính chân cọc và số thanh thép
- Đường kính cốt dọc cần lớn hơn 14mm. Nếu đường kính cọc lớn hơn 350mm thì phải có hơn 8 thanh thép.
- Trong các trường hợp sau đây cần phải bổ sung thêm các thanh thép:
Khi chỉ sử dụng 1-2 cây cọc và là hàng cọc đơn, nếu tải trọng lệch tâm thì phần đầu thân cọc phải được đặt tăng thêm lượng thép.
Phải đặt tăng thêm thép ở vùng móc cẩu khi phần thân cọc chỉ đặt thép theo ứng suất cẩu cọc.
Đối với phần bê tông ở thân cọc
Việc xác định tiêu chuẩn cọc bê tông cốt thép dựa vào phần bê tông ở thân cọc là tương đối khó vì còn phụ thuộc vào quá trình trộn các thành phần tạo nên bê tông. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể dựa vào chiều dài, tiết diện và độ dày phần bê tông ở thân cọc để xác định chất lượng. Khi xác định được cường độ bê tông ở thân cọc không thấp hơn C30 và độ dày lớp bảo vệ cốt thép dọc không được nhỏ hơn 30mm tức là đã đạt chuẩn ở mức tương đối.
Tổng kết
Đảm bảo tính kiên cố và an toàn là tiêu chí hàng đầu khi thực hiện các công trình. Chính vì vậy, ứng dụng cọc bê tông cốt thép trong xây dựng là lựa chọn tối ưu, vừa đảm bảo vững chắc vừa tiết kiệm chi phí. Hy vọng rằng với những thông tin mà Công ty Xây dựng Trà Vinh GC cung cấp đã giúp bạn hiểu rõ hơn về loại vật liệu này để ứng dụng hiệu quả vào các công trình xây dựng.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Góc Chia Sẻ để được cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến lĩnh vực xây dựng!